Top Ads

Trải nghiệm phiên bản REIC hoàn toàn mới:REIC.info
» » » » Top dự án cơ sở hạ tầng nổi bật năm 2013

REIC - Năm 2013, hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng quan trọng trên phạm vi cả nước đã về đích, đóng góp một phần quan trọng vào phát triển kinh tế của địa phương và khu vực mà dự án đi qua. Dưới đây REIC xin điểm lại những dự án nổi bật nhất trong năm.

1. Thông xe 20 km đầu tiên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (TP.HCM - Đồng Nai)

TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây
Hình minh họa: VTV
Năm 2013, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã cơ bản hoàn thành giai đoạn 1 dài 20 km (bắt đầu từ đường Vành đai 2 đến Quốc lộ 51). Đến ngày 2-1-2014 vừa qua, tuyến đường này đã chính thức thông xe kỹ thuật.

Trong giai đoạn 1, tuyến cao tốc có 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp, chiều rộng nền đường 27,5 m, tổng mức đầu tư 20.630 tỉ đồng. Tốc độ tối đa khi chạy trên đường cao tốc này là 100 km/giờ, tốc độ tối thiểu 60 km/giờ. Khoảng cách an toàn tối thiểu giữa các xe là 80 m khi tốc độ lưu hành 80 km/giờ, 100 m với tốc độ 80-100 km/giờ.

Việc sớm đưa vào khai thác giai đoạn 1 góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông, nâng tốc độ chạy xe, giảm thời gian chi phí vận chuyển, rút ngắn hơn một nửa thời gian đi từ TP HCM về Vũng Tàu.

2. Thông xe 25 km đầu tiên cao tốc Nội Bài - Lào Cai (Hà Nội - Lào Cai)

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Hình minh họa: Báo Kiến Thức
Sáng 27-12-2013, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tổ chức thông xe, khai thác tạm thời gần 25 km đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ đoạn nối quốc lộ 18 (xã An Thanh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đến xã Kim Long, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc.
Cao tốc Nội Bài - Lào Cai
Hình minh họa: Báo Kiến Thức
Theo thông báo của VEC, các loại xe được lưu thông trên đoạn đường cao tốc này với tốc độ tối đa là 80 km/h và tốc độ tối thiểu là 60 km/h. Các loại môtô, xe máy, xe thô sơ, người đi bộ không được tham gia giao thông trên đường này. Việc thông xe đoạn đường trên đã rút ngắn thời gian đi từ Nội Bài đến TP Vĩnh Yên - tỉnh Vĩnh Phúc còn 20 phút thay vì 1h như trước đó.

3. Thông xe 5 km đầu tiên đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi  - Vành đai ngoài (TP.HCM)

Cuối tháng 9 vừa qua, 5km nội ô của tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài với 12 làn xe, trong tổng số gần 14km toàn tuyến đã được đưa vào sử dụng.

Tân Sơn Nhất - Bình Lợi  - Vành đai ngoài
Hình minh họa: Vnexpress
Việc thông tuyến đoạn đường này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc lưu thông ở khu vực các quận Thủ Đức, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, tháo gỡ tình trạng ùn ứ ở khu vực cửa ngõ Đông Bắc và góp phần tạo động lực phát triển kinh tế của thành phố. Đặc biệt, góp phần vào giảm thiểu nạn kẹt xe ở ngã tư Bình Triệu - vốn là điểm nóng về ùn tắc giao thông của TP.HCM. Đồng thời giảm tải phương tiện ra vào cửa ngõ lớn của thành phố đối với đường Đinh Bộ Lĩnh và Xô Viết Nghệ Tĩnh. Quan trọng hơn là việc rút ngắn thời gian cho người dân ở Thủ Đức, Bình Thạnh... đi - về hướng sân bay Tân Sơn Nhất.

Dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài được khởi công vào tháng 06 - 2008, có tổng chiều dài gần 14 km từ sân bay Tân Sơn Nhất quận Tân Bình đi qua các quận Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức.

Đây là tuyến đường nội đô rộng 30 đến 60m (tương đương 4 đến 12 làn xe). Tổng vốn đầu tư toàn công trình khoảng 340 triệu USD. Bên cạnh đó, để hoàn thành tuyến đường này thì có tới gần 4.000 hộ dân bị ảnh hưởng và phải di dời.

4. Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết (Đồng Nai - Bình Thuận)

Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết bao gồm việc xây dựng và vận hành 98km đường cao tốc, điểm đầu tại lý trình Km43 thuộc đường cao tốc HCM - Long Thành - Dầu Giây thuộc tỉnh Đồng Nai và điểm cuối tại lý trình Km 1717 trên QL1A thuộc tỉnh Bình Thuận. Khi đi vào hoạt động, đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sẽ cải thiện dòng giao thông phía Bắc TP.HCM, giải quyết ùn tắc giao thông trên QL1A và tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy kinh tế, xã hội trong khu vực.

Đây là dự án đường cao tốc đầu tiên tại Việt Nam được thực hiện theo hình thức PPP với sự tham gia của các DN tư nhân thành lập dự án để xây dựng đường cao tốc. Tổng chi phí xây dựng dự kiến là 757 triệu USD. Nguồn vốn cho dự án nhận được từ vốn chủ sở hữu của các nhà đầu tư và từ Chính phủ của Việt Nam. Dự kiến việc xây dựng đường cao tốc mới sẽ được khởi công vào quý III/2015.

5. Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Đà Nẵng - Quảng Ngãi)


Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Hình minh họa: Thanh Niên
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài gần 140km được thiết kế theo tiêu chuẩn đường ô tô cao tốc loại A với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h. Toàn dự án có tổng mức đầu tư 1,472 tỷ USD.

Ngày 24 tháng 1 năm 2013 đã khởi công gói thầu xây lắp A4 là hợp phần do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ với tổng chiều dài 14,6km, đi qua địa bàn huyện Bình Sơn và Sơn Tịnh (Quảng Ngãi). Đây là gói thầu xây lắp đầu tiên sử dụng phần vốn do WB tài trợ và là gói thầu đầu tiên đi qua Quảng Ngãi được triển khai thi công.

Gói thầu gồm 1 nút giao khác mức liên thông (tại Km123+680 là điểm giao với quốc lộ 24B); 8 cây cầu và các hạng mục cống chui dân sinh, công trình thoát nước. Công trình do Công ty TNHH Kỹ thuật và Xây dựng Lotte (Hàn Quốc) thực hiện với tổng giá trị hơn 1.294 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thi công.

6. Hầm đường bộ qua đèo Cả (Phú Yên - Khánh Hòa)

Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả nối liền 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, là dự án đặc biệt quan trọng thuộc hệ thống dự án mở rộng Quốc lộ 1 có tổng mức đầu tư hơn 15.603 tỷ đồng. Dự án có chiều dài toàn tuyến 13,4km, trong đó hầm Đèo Cả dài khoảng 4km, hầm Cổ Mã dài 500m.

Đơn vị tư vấn Nippon Koei (Nhật Bản) thực hiện thiết kế kỹ thuật, các nhà thầu xây dựng tham gia dự án gồm: Sông Đà 10, Cienco 6 - Tranimexco, Lũng Lô, Quản Trung.

Ngày 28 tháng 12 năm 2013 vừa qua, Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả tổ chức lễ động thổ mở cửa hầm Đèo Cả ở hai đầu phía Bắc và phía Nam; đồng thời thông xe kỹ thuật cầu số 1, dự án hầm đường bộ Đèo Cả. Dự án hoàn thành sẽ giảm chiều dài qua đèo 8km so với hiện tại, góp phần giảm ùn tắc và tai nạn giao thông qua đèo Cả.

7. Hầm đường bộ qua đèo Phước Tượng - Phú Gia (Thừa Thiên Huế)

Dự án hầm đường bộ qua đèo Phước Tượng - Phú Gia được khởi công vào ngày 18 tháng 5 năm 2013 tại xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế. Đây là dự án BOT rất quan trọng nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL1A.

Đèo Phước Tượng - Phú Gia
Hình minh họa: Chúng Ta
Dự án được xây dựng theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), với tổng mức đầu tư trên 1.743 tỷ đồng, hoàn thành sau 18 tháng thi công.

Hầm Phước Tượng có chiều dài 345 m, phần đường dẫn vào cầu có chiều dài 3.460 m, được xây dựng theo hướng tuyến từ khoảng Km 867+950 của Quốc lộ 1A (sau cầu Hói Rui). Hầm Phú Gia có chiều dài 497 m và đường dẫn vào hầm dài 2.470 m, được xây dựng theo hướng tuyến từ Km882+376. Đường vào hầm được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Post a Comment