REIC - Mới đây, ngày 20/02/2014, tỉnh Bình Dương đã khánh thành trung tâm hành chính tập trung trị giá 1400 tỷ đồng và là địa phương thứ hai cả nước sau tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung các cơ quan hành chính về cùng một khu vực làm việc. Song song với việc khánh thành tòa nhà trung tâm hành chính, tỉnh Bình Dương đã tổ chức lễ khởi động xây dựng, phát triển thành phố mới, một điều mà chưa có địa phương nào ở Việt Nam thực hiên được, khẳng định tầm nhìn xa của lãnh đạo địa phương này.
Việc dời đô và xây dựng thành phố mới không còn xa lạ với nhiều quốc gia trên thế giới, nhân sự kiện này, REIC.vn muốn giới thiệu đến độc giả bài viết về thành phố Putrajaya – Trung tâm hành chính mới của Malaysia, một thành phố được kỳ vọng là thành phố thông minh của khu vực Đông Nam Á cũng như Châu Á.
Thủ đô Kuala Lumpur với quy mô dân số khoảng 2,5 triệu người, không quá lớn so với nhiều thành phố khác trong khu vực, tình trạng kẹt xe tuy không phức tạp như Bangkok hay Jakarta nhưng đã thường xuyên xảy ra tại Kuala Lumpur, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Đó cũng là một trong số các lý do chính phủ Malaysia tiến hành di dời các cơ quan hành chính ra bên ngoài thủ đô, là tiền đề cho việc ra đời thành phố mới Putrajaya.
Putrajaya ra đời vào năm 1995 trên một khu vực hoang vu, cách Kuala Lumpur khoảng 30km về phía nam. Trong vòng 36 tháng từ một khu đất trống Putrajaya đã xuất hiên một thành phố được thiết kế chuẩn chỉnh với những tòa cao ốc, những khu nhà ở kết hợp sân vườn, những công viên và mỹ quan đô thị. Hệ thống mạng giao thông toàn diện giúp việc di chuyển trong thành phố trở nên thuận tiện hơn và kết nối Putrajaya đến với các khu trung tâm đông dân của quốc gia. Putrajaya cũng chính là thành phố hiện đại bậc nhất với mạng viễn thông tối tân và các tiện ích công cộng.
Bên cạnh vai trò là trung tâm hành chính mới, Putrajaya còn được xây dựng thành thành phố thông minh và có môi trường sống tốt, theo đó, các công trình phục vụ công dân như các tòa nhà trụ sở hành chính, trường học, bệnh viện, rạp chiếu phim, công viên…được quản lý bằng các các ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.
Đường sá Putrajaya thông thoáng, mật độ xây dựng thấp, không khí trong lành. Putrajaya hướng đến mục tiêu là trở thành một đô thị có quy mô dân số trung bình khoảng 300.000 người.
Thánh đường Hồi giáo Putra là một trong những điểm nhấn kiến trúc đặc sắc của Putrajaya, thu hút khá nhiều khách du lịch tham quan và được hoàn thành năm 1999. Đây là một trong các thánh đường Hồi giáo hiện đại nhất thế giới, được thiết kế theo phong cách kiến trúc của Thánh đường Sheikh Omar ở Baghda.
Perdana Putra là tòa nhà Văn phòng thủ tướng, kiến trúc ấn tượng, được xây dựng từ vật liệu đá thiên nhiên. Từ nơi đây có thể nhìn ra hồ và Thánh đường Putra. Tòa nhà 6 tầng rộng lớn được chia ra làm 3 khu. Khu giữa to lớn nhất là tòa nhà Văn phòng thủ tướng. Cánh phía tây là văn phòng của phó thủ tướng, phía đông là của Tổng thư ký quốc hội.
Hiện nay, hơn 2.000 hecta công trình đã được hoàn thành bao gồm các tòa nhà chính phủ và khu dân cư. Công ty cổ phần Putrajaya đang tập trung phát triển các tổ hợp khu dân cư và thương mại với các khu Trung tâm kinh doanh (CBD) ở giữa hòn đảo nhằm cung cấp những văn phòng cao cấp và các không gian mở.
Trong tương lai gần, Putrajaya sẽ hơn cả một thủ đô hành chính, nơi này sẽ tập trung các khu dân cư, thương mại, là môi trường làm việc và sinh sống đẳng cấp hàng đầu thế giới. “Niềm tự hào Malaysia” chính là bài học quý báu về kiến thiết thành phố kết hợp với giữ gìn môi trường cho Việt Nam.
Nguồn bài viết: Zing News - http://news.zing.vn/Putrajaya--Khi-thien-nhien-ngu-yen-ben-cuoc-song-hien-dai-post298439.html
Post a Comment
Post a Comment