REIC - Dù đã có nhiều dự án được triển khai nhưng vẫn còn một số dự án mở rộng
cửa ngõ TP.HCM nhiều năm qua “án binh bất động”, khiến giao thông tại
các tuyến đường ra vào TP còn bị tắc nghẽn.
Các dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu đường Bình Triệu - cửa ngõ đông bắc
TP.HCM - đang thi công chậm trễ, thậm chí có dự án kéo dài hơn 11 năm
chưa hoàn thành.
Điều này khiến mục tiêu tạo cho dòng xe thông thoát nhanh từ nội thành
đến các đường vành đai TP đi các tỉnh không đạt hiệu quả cao.
Sau khi cầu Sài Gòn mới được xây dựng và mở rộng, cửa ngõ phía đông TP.HCM đã thông thoáng hơn - Ảnh: Thuận Thắng |
Theo đường Bạch Đằng đến Xô Viết Nghệ Tĩnh qua cầu Bình Triệu 1 - quốc
lộ 13 để hướng về các tỉnh miền Đông, nhiều người luôn e ngại nạn kẹt xe
ở các giao lộ Bạch Đằng - Đinh Bộ Lĩnh, Bạch Đằng - Xô Viết Nghệ Tĩnh
và Nguyễn Xí - Xô Viết Nghệ Tĩnh - quốc lộ 13 (ngã năm Đài liệt sĩ).
Tương tự, từ quốc lộ 13 đi Đinh Bộ Lĩnh hướng về trung tâm TP, dòng xe
dày đặc bị ùn tắc thường xuyên ở hai giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Nguyễn Xí,
Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng.
Cần kết nối đường trục trung tâm với đường vành đai
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Phạm Xuân Mai, việc đầu tư xây dựng các tuyến
đường trục từ trung tâm TP.HCM phải kết nối với các đường vành đai TP
như quốc lộ 13, xa lộ Hà Nội thì mới đem lại hiệu quả cao. Để giải quyết
giao thông ở khu vực cửa ngõ TP, TP cần sớm triển khai dự án đường kết
nối từ cầu Phú Mỹ ra đến xa lộ Hà Nội. Vì hiện nay từ trung tâm TP qua
cầu Phú Mỹ đến liên tỉnh lộ 25 là bị tắc nên có ít xe lưu thông qua cầu
này.
Hơn 11 năm qua, khu vực các tuyến đường này nằm trong dự án cầu, đường
Bình Triệu và hiện vẫn chưa có “hồi kết”. Năm 2003, sau khi hoàn thành
xây dựng cầu Bình Triệu 2, nhà đầu tư BOT là Tổng công ty Xây dựng công
trình giao thông 5 phải tạm dừng dự án do thiếu vốn và do TP yêu cầu
điều chỉnh dự án mở rộng quốc lộ 13 từ 32m lên 53m. Năm 2005, UBND TP
chấp thuận giao cho Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) làm
chủ đầu tư dự án BOT cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 (tên gọi mới của
dự án). Nhưng mãi đến năm 2007, CII mới chia nhỏ dự án thành bảy tiểu dự
án để triển khai từng bước, gồm: tiểu dự án 1 làm quốc lộ 13, tiểu dự
án 2 trả tiền 165 tỉ đồng cho nhà đầu tư - Tổng công ty Xây dựng công
trình giao thông 5, tiểu dự án 3 nâng cấp mở rộng cầu Bình Triệu 1, tiểu
dự án 4 xây dựng nút giao thông ngã năm Đài liệt sĩ, tiểu dự án 5 mở
rộng đường Ung Văn Khiêm, tiểu dự án 6 đền bù giải tỏa Q.Thủ Đức và tiểu
dự án 7 đền bù giải tỏa Q.Bình Thạnh. Ngay sau đó, CII thực hiện tiểu
dự án 2 và đến tháng 5-2009 CII khởi công một tiểu dự án 3 - nâng cấp
cầu đường Bình Triệu 1 và đến tháng 8-2010 hoàn thành công trình này.
Đến nay các tiểu dự án còn lại đều “án binh bất động”.
Dự án mở rộng xa lộ Hà Nội dài 15,7km dự kiến hoàn thành cuối năm 2013 nhưng đến nay vẫn thi công “lai rai”, chưa xác định ngày kết thúc vì Q.9 và Thủ Đức vẫn trong giai đoạn xúc tiến đền bù giải tỏa. Đi trên tuyến đường này, mọi người đều thấy rõ những căn nhà thòi ra và những căn nhà thụt vào, có những đoạn đường đang là công trường thi công theo kiểu “da beo”. Bi kịch nhất là đoạn từ nghĩa trang liệt sĩ TP đến ngã ba Tân Vạn dài 1,5km thuộc phần đất tỉnh Bình Dương chưa triển khai đền bù giải tỏa. Nếu Bình Dương không thực hiện giải tỏa sớm, dù xa lộ Hà Nội mở rộng toàn bộ tuyến trên địa bàn TP thì vẫn còn 1,5km đường thuộc tỉnh Bình Dương bị thắt cổ chai. Điều đó có nghĩa cửa ngõ TP đi về các tỉnh miền Đông, miền Trung vẫn còn bị ách tắc giao thông.
Theo chuyên gia giao thông, lẽ ra ngay từ khi lập dự án mở rộng xa lộ Hà
Nội, các cơ quan chức năng TP.HCM cần bàn tính ngay với Bộ Giao thông
vận tải và tỉnh Bình Dương về đền bù giải tỏa mở rộng tuyến đường này,
chứ không phải chờ “nước đến chân mới nhảy”. Điều đó cho thấy thiếu sự
phối hợp giữa các địa phương trong việc thực hiện dự án, dẫn đến dự án
chậm trễ càng thêm chậm trễ.
Đề xuất của CII về việc giải phóng luồng xe ra cửa ngõ đông bắc TP.HCM - Đồ họa: Vĩ Cường |
Giải thích tại sao chậm trễ trong việc đền bù giải tỏa có 1,5km xa lộ Hà
Nội, ông Lê Quốc Bình - tổng giám đốc CII - cho biết do đoạn đường
thuộc thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương nên TP không thể lấy ngân sách đền
bù thay cho tỉnh này. UBND TP.HCM đề nghị Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ
Bình Dương 1.400 tỉ đồng để đền bù giải tỏa. Đến nay Bộ Giao thông vận
tải vẫn chưa có văn bản phản hồi về việc này.
Trả lời về việc triển khai dự án cầu đường Bình Triệu giai đoạn 2 kéo
dài nhiều năm, ông Lê Quốc Bình giải thích dự án có vốn đền bù giải tỏa
quá lớn, hơn 5.000 tỉ đồng, trong khi ngân sách TP đang hạn chế. Theo
ông Bình, tuyến quốc lộ 13 hiện cũng không bị ùn tắc nhiều như trước đây
do dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài thông xe đoạn từ nút
giao thông Nguyễn Thái Sơn đến ngã tư Bình Triệu. Đồng thời, dự án mở
rộng xa lộ Hà Nội mở rộng nhiều đoạn đường, nên hướng xe lưu thông từ xa
lộ Hà Nội vào đường Hoàng Diệu ra quốc lộ 1K đến Khu công nghiệp Sóng
Thần không còn bị ách tắc nhiều.
Nhằm tạo thuận lợi cho xe lưu thông ở cửa ngõ qua cầu Bình Triệu, ông Lê
Quốc Bình nói CII đề xuất TP phương án hoàn thiện giao thông đường Xô
Viết Nghệ Tĩnh đoạn từ ngã tư Hàng Xanh đến ngã năm Đài liệt sĩ và quốc
lộ 13 (đoạn từ ngã năm Đài liệt sĩ đến cầu Bình Triệu 1) để xe thông
thoát nhanh ở các đoạn đường trên. Ngoài ra, cần xây dựng hai cầu vượt,
một cầu vượt từ đường Đinh Bộ Lĩnh băng qua đường Bạch Đằng để vào đường
Điện Biên Phủ, một cầu vượt ở ngã năm Đài liệt sĩ. Dự kiến, nếu được
cấp thẩm quyền TP phê duyệt sẽ khởi công ngay trong năm 2014.
Càng chậm, càng thiệt hại
Việc triển khai dự án cầu, đường Bình Triệu càng chậm thì tổng mức đầu
tư ngày càng tăng. Năm 2003, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông
5 ước tính tổng vốn đầu tư giai đoạn tiếp theo (sau khi xây cầu Bình
Triệu 2) khoảng 1.600 tỉ đồng. Đến năm 2007, CII cho biết tổng mức đầu
tư là 3.493 tỉ đồng và đến năm 2011 tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên
7.504 tỉ đồng. Trong đó tiền đền bù giải tỏa năm 2007 khoảng 2.800 tỉ
đồng, năm 2011 được điều chỉnh tăng lên 5.787 tỉ đồng.
Theo Tuổi Trẻ
Post a Comment
Post a Comment