Top Ads

Trải nghiệm phiên bản REIC hoàn toàn mới:REIC.info
» » Thời điểm khó khăn và cơ hội cho nhà đầu tư

SGRT - Năm năm trước người ta dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành thị trường bất động sản sôi động nhất Đông Nam Á. Dự đoán này không sai ngay cả khi toàn thế giới bất ngờ chìm sâu vào khủng hoảng tài chính.

Mốc son của làn sóng đầu tư

Đó là những năm 2005, 2006, 2007. Ồ ạt những nhà đầu tư bất động sản lớn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đến tìm kiếm cơ hội đầu tư bất động sản tại Việt Nam, Campuchia và một số quốc gia Đông Nam Á khác như Thái Lan, Indonesia, Malaysia. Cùng thời gian này có hàng loạt các tập đoàn lớn ở chính khu vực các quốc gia Đông Nam Á có nền kinh tế phát triển nhanh như Singapore, Malaysia cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Kết quả của làn sóng đầu tư này mang đến một thị trường hết sức nóng với hàng loạt dự án khu đô thị được cấp phép lên tới hàng trăm triệu đô la, thậm chí một số dự án lớn hơn đến mức vài tỷ đô la.

Thời điểm này các nhà đầu tư nhỏ hơn cũng tham gia giành miếng bánh thị trường bất động sản ở các phân khúc khác như văn phòng cho thuê cao cấp ở các thành phố lớn, khách sạn cao cấp và căn hộ dịch vụ ở các địa phương có thế mạnh về du lịch...

Đặc biệt, mảng căn hộ chung cư, căn hộ cao cấp vốn không quen thuộc với người Việt Nam cũng mọc lên như nấm. Phát triển mạnh nhất ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, những nơi có mật độ dân cư đông đúc, loại hình căn hộ đã phần nào đáp ứng được nhu cầu về chỗ ở cho rất nhiều gia đình.

Và giai đoạn trầm lắng

Bất ngờ bị dội gáo nước lạnh bởi cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ, sau đó lan ra toàn thế giới. Những nhà đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng nặng nề đã bắt đầu cân nhắc rót thêm vốn vào các dự án tại Việt Nam.

Những dự án đang triển khai đều lâm vào tình trạng cầm chừng do tâm lý nhà đầu tư lo ngại khó bán sản phẩm để thu hồi vốn. Nhiều dự án đã được cấp phép nhưng chưa triển khai thì nhà đầu tư chuyển sang chuyển nhượng vì không đủ năng lực tài chính để triển khai tiếp.

Tình trạng này kéo dài kể từ thời điểm xảy ra khủng hoảng tới nay vẫn chưa có điểm dừng. Chính sách kích cầu chưa thực sự hiệu quả và chính sách thắt chặt tiền tệ lại càng khiến cho thị trường thêm ảm đạm.

Gần đây trên nhiều mặt báo chúng ta chỉ thấy nhan nhản những thông tin như các doanh nghiệp giải thể, phá sản, các sàn giao dịch đóng cửa, các khu mua sắm trống vắng, cao ốc văn phòng để trống không,... lại càng làm cho tâm lý chung thêm "trầm lắng".

Cơ hội đầu tư

Nói như thế để thấy rằng thị trường đang rất trầm vì có quá nhiều tác động liên hoàn.

Nếu như không phải cuộc khủng hoảng tài chính kéo những nhà đầu tư nước ngoài bỏ của chạy lấy người thì rất có thể dòng vốn ngoại đổ vào cũng kéo thị trường lên đôi phần. Nếu như thị trường chứng khoán Việt Nam không yếu đi quá nhanh sau khi đạt đỉnh năm 2007 thì các doanh nghiệp bất động sản niêm yết vẫn có thể xoay vòng được dòng vốn đầu tư.

Chính sách thắt chặt tiền tệ của chính phủ mục tiêu giảm rủi ro cho nền kinh tế vô tình cũng chặn lại dòng vốn huy động từ cá nhân đi mua bất động sản.

Tuy vậy, đây chính là thời điểm thanh lọc thị trường tốt nhất. Như nhiều người vẫn nói với nhau, nhiều nhà đầu tư ăn xổi ở thì sẽ mau chóng cuốn gói ra đi. Những dự án chạy theo trào lưu không đáp ứng đúng nhu cầu thị trường sẽ buộc phải tự điều chỉnh để tìm đầu ra.

Những dòng sản phẩm tầm trung bình - khá thời điểm này vẫn có lượng khách hàng tương đối tốt. Đặc biệt ở phân phúc biệt thự xây thô và nhà phố hoàn thiện, khách hàng mua để có thể ở được ngay. Theo một khảo sát của chúng tôi thì khá nhiều khách hàng ở các tỉnh muốn tìm mua bất động sản ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh để cho con cái sinh sống và học tập.

Trong báo cáo mới nhất của công ty quản lý tài sản Merrill Lynch Global và Capgemini SA, Việt Nam có lượng người giàu (những người có tài sản từ 1 triệu đô la trở lên) tăng 30% trong năm 2010. Lượng người giàu này là một thị trường rất tiềm năng, nếu không muốn nói là "màu mỡ".

Đặc biệt, theo thông lệ cứ sau mỗi cuộc khủng hoảng sẽ lại có một cuộc phục hưng mạnh hơn. Đơn cử như khủng hoảng tài chính năm 1997 tại châu Á đã làm kiệt quệ tài chính ở nhiều nước trong khu vực, nhưng sau khoảng thời gian 3-5 năm các thị trường này phát triển thần kỳ hơn, lấy lại được vị thế thậm chí còn vượt xa thời điểm trước khủng hoảng.

Tính đến nay cuộc khủng hoảng tài chính đầu tiên của thế kỷ 21 (2008) đã rời xa được ba năm. Lúc này là thời điểm để đón đầu cuộc phục hưng thần kỳ sắp tới. Cơ hội đến với những nhà đầu tư biết chuẩn bị tốt và nắm bắt thời cơ kịp thời.

P/s: Bài viết có sử dụng tư liệu của Merrill Lynch Global và Capgemini SA, dữ liệu nghiên cứu thị trường bất động sản của SGRT. Chúng tôi đề nghị nhà đầu tư nên sử dụng bài viết mang tính tham khảo.

Post a Comment